Khác hẳn với vẻ u sầu của vai diễn Diễm My trong bộ phim Người phán xử, Đan Lê ở ngoài đời vô cùng rạng rỡ và tràn đầy sức sống. Từ những tháng ngày tuổi trẻ rong ruổi với đam mê nghệ thuật, đến khi lập gia đình và hạ sinh hai cậu nhóc kháu khỉnh, chặng đường dài hơi ấy dường như càng tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu gia đình, công việc và cuộc sống của cô. Bên cạnh những khán giả yêu mến Đan Lê ở vai trò dẫn chương trình hay diễn viên, cô còn được rất nhiều bà mẹ ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con cái. Và ngày hôm nay, lần đầu tiên Đan Lê chịu tiết lộ về vai trò làm mẹ của mình.
Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng câu hỏi quen thuộc, Đan Lê không chỉ được đông đảo người mến mộ biết tới qua những vai diễn để lại nhiều dấu ấn, mà còn bởi vai trò của một người mẹ đảm đang. Cách dạy con của chị liệu có gì đặc biệt?
Mình tin rằng, mỗi một phụ nữ đều có bản năng làm mẹ và ai rồi cũng sẽ tìm ra cách dạy con phù hợp nhất. Trong thời đại mở như ngày nay, chúng ta có rất nhiều cách để tham khảo, học hỏi, miễn là người bố và người mẹ chịu dành đủ thời gian cho con mình. Bản thân mình khá thích cách dạy con của người Nhật, nhưng cũng chỉ đọc để tham khảo thôi. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau. Chúng ta khó lòng có thể áp dụng cách dạy dỗ đứa trẻ này cho đứa trẻ khác.
Ngay trong gia đình mình, hai bạn Khải Minh - Khải Nguyên tuy cùng mẹ đẻ ra, nuôi nấng mà còn có tính cách rất khác nhau rồi. Mặc dù cha mẹ có thể có định hướng chung, nhưng không thể áp dụng cách dạy dỗ của bạn lớn, và áp đặt hoàn toàn dành cho bạn bé. Bởi vậy theo mình mọi phương pháp giáo dục chỉ nên tham khảo, học hỏi chứ không nên máy móc, bắt buộc nhất nhất noi theo.
Công việc bận rộn đến vậy, chị dành thời gian ra sao để nuôi dạy hai bé nhà mình?
Ai cũng phải làm việc, và mục đích cuối cùng của chúng ta là được an yên, hạnh phúc bên tổ ấm của mình. Nên nếu lấy lí do bận rộn, không dành thời gian cho con, thì theo mình đây không hẳn là lí do chính đáng lắm. Trừ trường hợp cha hoặc mẹ phải công tác xa nhà thì đúng là có thiệt thòi hơn trong việc gần gũi con về không gian. Tuy nhiên, khoảng cách về không gian cũng có thể thu hẹp lại nếu chúng ta dành thời gian chất lượng cho nhau, quan tâm suy nghĩ về nhau bằng cách trao đổi với nhau qua điện thoại chẳng hạn. Thời gian không chỉ là từ sáng đến tối, là 24 giờ trong một ngày, mà thời gian chất lượng - mới là quan trọng nhất! Nếu ta dành mười mấy tiếng một ngày ở bên con nhưng tâm trí, đầu óc, thậm chí hoạt động tập trung vào việc khác, thì chưa chắc đã bằng vài tiếng thực sự đầu tư cho con.
Với gia đình mình, anh xã Khải Anh cũng thường phải đi công tác xa nhà, năm nào đi làm phim cũng biền biệt ít thì 3 tháng, nhiều thì 5 tháng nên hai vợ chồng phải biết sắp xếp công việc để vợ dành thời gian ở bên con cái thường xuyên hơn.
Để hai bạn tự lập từ độ tuổi rất sớm, ắt hẳn Đan Lê đã có cách nuôi dạy bé từ thời còn ấu thơ?
Đúng là, mình bắt đầu giáo dục các con từ rất sớm. Chẳng phải to tát gì đâu, chỉ là mẹ rất chịu khó nói chuyện với bé, coi bé như là một thành viên có hiểu biết thực thụ trong gia đình và bước đầu tạo lập cho bé những thói quen về nhận thức. Với hai bạn nhà mình, từ khi mang thai mình đã rất hay mát-xa và tâm sự với con, đến khi con chào đời, mình càng dành nhiều thời gian tiếp xúc bằng cách xoa bóp cho con thư giãn, dễ chịu và trong thời gian đó thì nói đủ các thứ chuyện cho bé nghe. Nhiều khi người ngoài nhìn vào còn tưởng là hâm hâm dở dở, cười mình bảo bé đã hiểu gì đâu mà mẹ nói nhiều thế (cười). Nhưng theo dõi con qua từng mốc phát triển, mình thấy các bạn đều đáp ứng rất tốt và thật sự mình thấy mình làm mẹ "trộm vía" cũng rất nhàn, không đến nỗi chật vật lắm! Tuy nhiên, dạy con không phải câu chuyện ngày hôm nay mình làm, ngày mai mình có kết quả nên quan trọng nhất là cha mẹ cần phải kiên nhẫn.
"Vất vả" nhất với mình có lẽ là mình không phải người nói nhiều mà ở cùng con thì nói gấp 3, 4 lần bình thường (cười lớn). Nói vui thế thôi chứ thực sự mình thấy tâm sự, với con như những người bạn rất thú vị. Ngoài việc mẹ con hiểu hơn về nhau, bé yêu mến và tin tưởng mẹ thì cha mẹ cũng trưởng thành lên rất nhiều, phải luôn tự học để giải đáp được các thắc mắc của con và thậm chí còn học ngay được từ suy nghĩ rất trong sáng, hồn nhiên của trẻ. Và theo mình, ở một góc độ nào đó, khi nuôi dạy con cái, đó chính là lúc chúng ta được học và trưởng thành lên nhiều nhất.
Được nhiều bà mẹ tín nhiệm, hằng ngày "hóng" những câu chuyện dạy con đầy cảm hứng, Đan Lê có thể chia sẻ một vài câu chuyện điển hình?
Nhiều chuyện vui lắm nhưng về cơ bản mình luôn cố gắng để mọi chuyện diễn ra tự nhiên và tìm các khuyến khích con qua các sinh hoạt thường ngày chứ không cứng nhắc, gò ép. Ví dụ để khuyến khích con tự đọc, mình hay nói vu vơ mỗi khi con nhờ mẹ đọc truyện: "Giờ mà biết đọc chữ rồi thì không phải nhờ mẹ nữa nhỉ?", hay thậm chí có lúc cũng phải giả vờ "Ôi chết rồi mẹ đang hơi bận một tí, giá như con biết chữ rồi thì hay quá, sẽ không cần mẹ giúp nữa!". Bằng cách này, mình muốn các bạn biết rằng việc học chữ thật thích quá, nó sẽ giúp con chủ động được trong nhiều việc.
Hay như có lần, bạn bé tô màu, các nét bút màu bị lem và bạn cáu kỉnh, đòi mẹ tô giúp. Mình nói rằng: "Mẹ có thể hướng dẫn con, giúp con cầm bút, thậm chí có thể tô hộ con. Nhưng nếu mẹ làm thế, suốt đời con sẽ phải nhờ mẹ tô hộ, và sẽ không bao giờ con tự làm được. Ngày hôm nay con tô chờm ra ngoài, ngày mai sẽ bớt lem một tí, ngày kia sẽ không còn lem nữa!". Chỉ khi con tự làm, con mới học cách làm tốt được. Còn khi con nhờ người khác, thì suốt đời con sẽ phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của họ! Trong cách hướng dẫn con, mình luôn tin con làm được, để con tự cố gắng và cho bé cách suy nghĩ độc lập, tự giải quyết được khó khăn của mình.
Hầu như đứa trẻ nào, cũng sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn. Để hiểu và đồng hành cùng con trong giai đoạn này là bài toán hóc búa mà hầu như các bố mẹ đều đau đầu khi gặp phải. Bản thân chị có những chia sẻ gì để cùng con vượt qua dấu mốc trưởng thành này?
Trẻ con qua các mốc phát triển sẽ có lúc gặp phải những thay đổi về tâm, sinh lý mà tâm lý học gọi là "các giai đoạn khủng hoảng của trẻ". Để "đối phó" với các giai đoạn thất thường của cả hai bạn nhà mình, mình chẳng có bí quyết gì nhiều nhặn, chỉ luôn tự nhắc bản thân cố gắng bình tĩnh làm điểm tựa cho con. Ngay khi chúng ta nghĩ, con chúng ta đang có vấn đề thì chính chúng ta đã "thua cuộc". Hãy giữ cho tinh thần tĩnh lặng, đón nhận các thay đổi của con và khi hiểu được tâm lý con cùng với sự "khủng hoảng" tất yếu ở tuổi này, chúng ta sẽ không quá lo lắng, không vội vàng ấn định rằng con hư hỏng.
Chị đã từng nghĩ đến một ngày, bé con rồi sẽ lớn, sẽ rời xa mình để xây dựng sự nghiệp và tổ ấm mới?
Khi con có thể rời xa mình, thì mình nên mừng chứ! Là một người bố người mẹ, thì khi các con vươn lớn, sẽ là điều tuyệt vời hơn bao giờ hết. Mình luôn trao cho các con quyền tự quyết trong gia đình, mặc dù các bé còn rất nhỏ. Lần thứ nhất còn chưa được, thì sẽ có lần hai, ba. Bởi mình biết rằng, khi các con tự chủ được từ những việc nhỏ nhất, thì các con sẽ làm chủ được chính cuộc đời mình sau này.
Câu chuyện có lẽ sẽ còn kéo dài mãi, nhưng với câu trả lời vừa rồi của Đan Lê cho lời đánh đố ở "thì tương lai" của hai bé, cả người được phỏng vấn, và người hỏi, đều bất giác nhìn nhau cười. Có những khoảnh khắc, mà chỉ những người phụ nữ, ngắm nhìn sinh linh của mình khôn lớn và rời xa tổ ấm, mới thấu hiểu được. Đó, là bản năng, và hạnh phúc đích thực của một người mẹ.