Cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp, hạnh phúc đến với con mình. Có cha mẹ lo cho con ăn uống đầy đủ, uống sữa ngoại để con thông minh; có cha mẹ cho con học thêm, vào trường chuyên lớp chọn để con được “luyện” cho giỏi… Liệu những cách đó có phải là phương pháp đúng? Einstein – một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới đã đề cao tính cách con người, cho rằng đó mới là yếu tố quyết định, ngay cả đối với thành tựu về trí tuệ.
Trong các tính cách đáng trân trọng của con người, có lẽ sự tử tế cần được đặt lên hàng đầu. Khi xã hội có những bất ổn thì sự tử tế cứu rỗi để chúng ta không cùng nhau đi xuống bùn đen.
SỰ TỬ TẾ LÀ GÌ?
Sự tử tế là điều được bàn đến nhiều gần đây sau khi dư luận xã hội dậy sóng với những hành vi không tử tế. Nhiều ví dụ đau lòng diễn ra hàng ngày. Có những câu chuyện giết người dã man ở ngay trong những mối quan hệ thân thuộc, cha con, anh em, chồng vợ… Hơn bao giờ, chúng ta cần cứu lấy sự tử tế trong mỗi người, nuôi dưỡng nó, lan tỏa nó. Và quan trọng nhất là dạy con chúng ta, thế hệ tương lai, thành người tử tế.
Làm sao để con chúng ta sống tử tế? Có lẽ đây là một câu hỏi không dễ trả lời, nhưng cũng xin đưa ra bàn với quý cha mẹ một vài ý tưởng:
1. Sự tử tế cần dạy từ khi trẻ còn đang tượng hình trong bụng mẹ: người Việt Nam có câu “Con vào dạ, mạ đi tu”. Tu ở đây là tu tâm, dưỡng tính. Người mẹ nghĩ và làm những việc tốt, việc thiện lành, đứa con trong bụng sẽ được nuôi dưỡng bằng thức ăn tinh thần “tử tế” từ đó.
2. Sự tử tế được trao truyền từ chính những hành vi tử tế xung quanh trẻ: cha mẹ, ông bà, bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo… mọi người mà trẻ tiếp xúc sẽ ảnh hưởng lên trẻ. Nếu trẻ được đối xử tử tế, trẻ được thấy cách hành xử tử tế, sẽ học được cách đối xử tử tế với mọi người. Môi trường sống, môi trường xã hội mà đứa trẻ được “tắm” trong đó rất quan trọng đối với sự hình thành những tính cách trong con người trẻ.
3. Giúp trẻ hiểu ý nghĩa của việc sống tử tế đối với trẻ và với mọi người xung quanh. Trẻ cần hiểu mỗi hành vi tử tế làm nở hoa trong tâm hồn mỗi người và giúp cuộc sống trở nên đáng sống hơn. Với những ví dụ thực tế như con ngã, bạn nâng con đứng dậy; con khó khăn bạn giúp đỡ; con buồn bạn lắng nghe… Khi đó, con hạnh phúc và người giúp con còn vui hơn vì thấy mình có ích. Người cho đi bao giờ cũng hạnh phúc hơn người nhận.
4. Con trẻ cần được người lớn giải thích đâu là hành vi tử tế, đâu là hành vi xấu. Trẻ biết giới hạn những hành vi được làm và không được làm, tốt và xấu… từ đó trẻ sẽ biết và làm những điều trẻ cho là đúng, là tốt, là đẹp.
5. Người lớn cần biết xin lỗi nếu mình trót có hành vi không tử tế trước mặt con. Điều này sẽ giúp trẻ tôn trọng người lớn, hiểu được rằng giữa nói và làm cần thống nhất nhưng không dễ dàng, vì ai cũng có thể phạm lỗi. Trẻ sẽ nhận ra: biết sửa lỗi và cố gắng sống tử tế hơn mỗi ngày là điều cần thiết.
Sống tử tế không hề là một việc dễ dàng nếu con người còn đề cao lợi ích cá nhân. Để “thành nhân” chính là biết sống vì người khác.
Dạy trẻ biết quan tâm, người khác là một trong những hành động của sự tử tế
>>Xem thêm: Bài học dạy con trưởng thành từ những thất bại đáng học tập từ tỉ phú Jackma
LỜI KHUYÊN DẠY CON THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ
1. Quan tâm tới người khác nên là việc được ưu tiên
Tại sao?
Các bậc cha mẹ thường quan tâm tới niềm vui và thành tích của con cái hơn là việc bọn trẻ có biết quan tâm tới người khác hay không. Nhưng trẻ em cần học cách cân bằng nhu cầu của bản thân và nhu cầu của người khác, cho dù đó chỉ là việc chuyền quả bóng cho đồng đội hay quyết định lên tiếng bênh vực một người bạn bị bắt nạt.
Bằng cách nào?
Cha mẹ cần nói cho trẻ biết rằng quan tâm tới người khác nên là ưu tiên hàng đầu. Phụ huynh cần đặt ra những kỳ vọng cao về mặt đạo đức, ví dụ như yêu cầu trẻ thực hiện những cam kết, lời hứa của mình cho dù điều đó có thể làm trẻ không vui. Ví dụ, trước khi trẻ quyết định rời khỏi đội bóng, ban nhạc hoặc chấm dứt tình bạn với ai đó, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ xem xét nghĩa vụ của mình với tập thể đó và khuyến khích trẻ tìm ra vấn đề trước khi bỏ.
Hãy thử:
- Thay vì nói rằng “điều quan trọng nhất là con thấy vui vẻ”, thì hãy nói “điều quan trọng nhất là con phải tử tế”.
- Hãy đảm bảo rằng trẻ luôn ứng xử tôn trọng với người khác, ngay cả khi chúng mệt mỏi, lo lắng hay tức giận
- Hãy nhấn mạnh tới sự quan tâm khi bạn tương tác với những người khác trong cuộc sống của trẻ. Ví dụ, hãy hỏi giáo viên xem con bạn có phải là một cá nhân tốt trong tập thể không.
2. Tạo cơ hội để trẻ quan tâm và biết ơn người khác
Tại sao?
Không bao giờ là quá muộn để trở thành một người tốt, nhưng nó sẽ không tự nhiên mà có được. Trẻ cần được thực hành và thể hiện sự quan tâm, lòng biết ơn với những người quan tâm tới trẻ và những người góp sức vào việc làm cho cuộc sống của trẻ tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy những người có thói quan thể hiện lòng biết ơn có xu hướng hữu ích hơn, hào phóng hơn, nhân từ hơn và rộng lượng hơn – và họ cũng là những người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.
Bằng cách nào?
Học cách quan tâm cũng giống như học cách chơi một môn thể thao hay một nhạc cụ. Bạn lặp đi lặp lại hàng ngày – dù đó chỉ là giúp bạn làm bài tập về nhà, làm việc nhà hay làm một công việc gì đó cho lớp học.
Hãy thử:
- Đừng thưởng cho trẻ mỗi khi trẻ làm bất kỳ việc tốt gì như lau bàn ăn. Chúng ta nên khuyến khích trẻ làm việc nhà cùng với các anh chị em hay bạn hàng xóm. Chỉ thưởng khi trẻ làm những việc thực sự đặc biệt
- Nói chuyện với trẻ về những hành động quan tâm và vô tâm mà trẻ nhìn thấy trên tivi hoặc ở đâu đó
- Bày tỏ sự biết ơn trước mỗi bữa ăn, trước giờ đi ngủ, trong xe hơi hoặc trên tàu điện ngầm.
Mỗi bậc cha mẹ hãy là tấm gương sáng cho con về sự tử tế
3. Mở rộng phạm vi quan tâm của trẻ
Tại sao?
Hầu hết trẻ chỉ quan tâm tới mọi người trong phạm vi nhỏ như gia đình, bạn bè. Khó khăn của chúng ta là giúp trẻ học cách quan tâm tới những người ở phạm vi rộng hơn như bạn mới trong lớp, bảo vệ trường học, một con người ở đất nước xa xôi nào đó.
Bằng cách nào?
Trẻ cần lắng nghe và hòa nhập vào cộng đồng xung quanh mình, cũng như xem xét một ai đó mà trẻ gặp gỡ hàng ngày ở nhiều góc độ. Trẻ cũng cần xem xem những quyết định như rời khỏi ban nhạc, câu lạc bộ thể thao có gây ảnh hưởng tới những người khác trong tập thể đó hay không. Đặc biệt là trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa của chúng ta, trẻ cần mở rộng sự quan tâm tới những người sống ở những nền văn hóa, cộng đồng khác.
Hãy thử:
- Hãy đảm bảo rằng trẻ là người thân thiện và biết ơn với tất cả mọi người trong cuộc sống hằng ngày như người lái xe buýt hay nhân viên phục vụ bàn
- Khuyến khích trẻ quan tâm tới những người yếu thế. Gợi ý cho trẻ một số việc đơn giản như an ủi một người bạn bị trêu chọc.
- Dùng những câu chuyện trên báo hoặc trên tivi để khuyến khích trẻ suy nghĩ về những trẻ em đang gặp khó khăn ở một đất nước khác.
Biết yêu thương đúng cách cũng là một trong những sự tự tế cha mẹ nên dạy cho con yêu
4. Cha mẹ hãy là một cố vấn và một tấm gương về đạo đức
Tại sao?
Trẻ học được các giá trị đạo đức thông qua hành động của những người mà chúng tôn trọng. Trẻ cũng học được các giá trị bằng cách suy nghĩ thông qua những tình huống đạo đức khó xử với người lớn. Ví dụ, “mình có nên mời người hàng xóm mới tới dự tiệc sinh nhật trong khi bạn thân nhất của mình không thích cô ấy?”
Bằng cách nào?
Bạn cần phải là hình mẫu về sự trung thực, công bằng và quan tâm tới người khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi. Đối với những đứa trẻ tôn trọng và tin tưởng chúng ta, chúng ta cần thừa nhận những sai sót và lỗi lầm của mình. Chúng ta cũng cần tôn trọng suy nghĩ và lắng nghe quan điểm của trẻ.
Hãy thử:
- Làm gương bằng cách tham gia hoạt động công cộng ít nhất một lần một tháng. Sẽ tốt hơn nếu bạn cùng làm với trẻ
- Đưa cho con một tình huống đạo đức trong bữa tối và đề nghị trẻ xử lý tình huống
5. Hướng dẫn trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực
Tại sao?
Thông thường khả năng quan tâm tới người khác hay bị lấn át bởi sự tức giận, xấu hổ, ghen tị hoặc những cảm xúc tiêu cực khác.
Bằng cách nào?
Chúng ta cần dạy trẻ rằng mọi cảm xúc đều là bình thường, nhưng cần biết cách xử lý những cảm xúc tiêu cực này theo hướng tích cực.
Hãy thử:
Đây là một cách đơn giản để dạy trẻ bình tĩnh: đề nghị trẻ dừng lại, hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng và đếm đến 5. Thực hiện cách này khi trẻ đang bình tĩnh. Đến khi trẻ mất bình tĩnh, hãy nhắc cho trẻ nhớ về những bước này và cùng thực hiện với trẻ. Sau một thời gian, trẻ sẽ tự làm được một mình để thể hiện cảm xúc theo hướng tích cực và hợp lý.
Dạy trẻ tử tế không hề khó, nếu chúng ta biết cách và kiên trì. Mỗi chúng ta hãy làm những việc tử tế, là tấm gương sáng cho con noi theo. Và đương nhiên, con cái sẽ học được những bài học tử tế từ ngay cha mẹ của mình!