Không ít các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng về vấn đề con lười học. Vậy cách xử lý khi con không chịu học như thế nào? Làm sao để các con có ý thức tự giác hơn trong vấn đề học tập. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc trên. Cùng nhau tìm hiểu cách giải quyết vấn đề này cùng Sense nhé! Xử lý thế nào khi con không chép bài, không làm bài tập?

Cách xử lý khi con không chịu học là gì? 

Rèn cho con tính kỷ luật ngay từ khi còn bé

Việc con không chịu học hay thiếu tự giác bị chi phối bởi một phần tính cách của con. Chính vì thế, ngay từ nhỏ không ít các bậc phụ huynh đã tập cho con phải tự lập trong sinh hoạt hàng ngày như tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo và làm những việc vặt, giúp đỡ bố mẹ. 

Không ít các bậc phụ huynh có suy nghĩ rằng khi con còn bé, chưa đủ sức để làm việc nhà nên thường nuông chiều trẻ. Cho đến sau này, con bắt đầu đi học và không có ý thức tự giác trong học tập thì lúc này nhiều bố mẹ cảm thấy vô cùng hối hận vì đã chiều chuộng con quá mức cần thiết.

Để sự tự giác của con được phát huy trong việc học cũng như cuộc sống thường ngày thì chính bố mẹ phải là tấm gương và hướng dẫn con cách làm thế nào để bản thân có thể tự lập. Trẻ nhỏ thường sẽ bị phụ thuộc khá nhiều vào người thân. Chính vì thế, ngay từ khi còn bé bố mẹ hoàn toàn có thể dạy dỗ từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày.

Việc rèn tính kỷ luật là một trong những điều cần thiết nhất mà bố mẹ cần làm trước khi muốn con tự giác học tập.

Sắp xếp thời gian học tập thật hợp lý

Một số bố mẹ mỗi tối thường la hét, quát mắng, thúc giục các con ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, không phải trẻ cứ ngồi là sẽ học, là sẽ tiếp thu được kiến thức. Chính vì thế, không ít các gia đình thường xuyên thắc mắc tại sao tối nào con cái cũng ngồi học hàng giờ liền mà kết quả vẫn rất tồi tệ.

Thời điểm học cũng là một trong những yếu tố khiến con lười học hơn. Thay vì việc để con được lựa chọn thời gian học của bản thân chẳng hạn như bất kỳ khi nào trong ngày con cảm thấy thoải mái và nghĩ rằng mình có thể học tập và thu nạp được kiến thức thì có thể bắt đầu thì bố mẹ lại mặc định cho trẻ một khung giờ mà các con cảm thấy không hiệu quả. 

Cuối cùng thì việc ngồi vào bàn học đơn thuần chỉ là ngồi ì một chỗ trong khi bộ não không thể hoạt động. Đây là một trong những điều mà các bậc phụ huynh thường xuyên mắc phải trong quá trình giáo dục con cái. 

Bố mẹ chỉ nên là người hỗ trợ con thiết lập thời gian biểu và định hướng những khung giờ học trong ngày sao cho hợp lý. Trẻ sẽ là người được quyền quyết định mình nên học môn gì vào lúc nào. Điều này sẽ có tác động khá lớn đến tâm lý của các con. 

Rèn luyện cho con ý thức tự giác từ khi còn bé sẽ giúp con hình thành thói quen tốt trong học tập

Hỗ trợ con giải quyết một số trở ngại tâm lý trong học tập

Con không chịu học đôi khi không phải đến từ việc lười biếng mà có thể do áp lực tâm lý con gặp phải trong quá trình học. Điều này dẫn đến thái độ chán nản, muốn bỏ cuộc. 

Nguyên do có thể đến từ việc con không theo kịp được tốc độ giảng bài của thầy cô ở trên lớp, không tiếp nhận được kiến thức môn học dẫn đến không có nền tảng để làm bài tập. Nếu nguyên nhân này được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng mất gốc, hổng kiến thức môn học. 

Chính vì thế, để giúp con giải quyết được vấn đề này trước tiên bố mẹ cần phải có một buổi để trò chuyện cùng con. Khi trẻ đã nói ra vấn đề mà bản thân đang mắc phải thì phụ huynh mới có thể tìm ra giải pháp đúng đắn nhất để giúp con thoát khỏi tình trạng này. 

Chỉ khi nào các vướng mắc có hướng giải quyết phù hợp thì mới có thể giúp các con tự giác hơn trong việc học. 

Giúp con hiểu được ý nghĩa và đam mê hơn với việc học

Học tập là một quá trình dài không ngừng phấn đấu và tìm tòi kiến thức. Chính vì thế, để con có đủ động lực để cố gắng thì bố mẹ cần phải để con biết được ý nghĩa của việc học và cần phải tích cực nhiều hơn. 

Đầu tiên, học tập là giúp cho con có một tương lai, công việc ổn định hơn. Dù sau này, con làm bất kỳ một ngành nghề nào thì cũng cần phải có kiến thức chuyên môn. Hiện nay, nhà tuyển dụng khá coi trọng chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, nếu con lười học thì sẽ trực tiếp phá huỷ đi cơ hội công việc trong tương lai.

Thứ hai, các con cần hiểu được một vấn đề đó là học cho bản thân, không phải học cho bố mẹ càng không phải học cho thầy cô, bạn bè. Chính vì thế, bố mẹ không nên thúc ép, bắt buộc con phải học tập. Bởi lẽ đây không phải là cách để giải quyết vấn đề triệt để. Sau này, con sẽ chỉ học khi bố mẹ yêu cầu mà không có thói quen tự giác. Đây là một trong những việc làm mà các bậc phụ huynh đang mắc phải khá nhiều. 

Thứ ba, bố mẹ có thể kể cho con nghe những câu chuyện về học tập, về ý nghĩa cuộc sống và một số tấm gương vươn lên, vượt khó. Những bạn ấy có thể xuất phát điểm kém hơn con nhưng sự nỗ lực từng ngày là điều mà hầu hết mọi người đều công nhận. Do đó, không có lý do nào trì hoãn việc học của con trừ khi trẻ không có ý thức tự giác trong học tập. 

Dù sử dụng bất kỳ cách nào đi chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là giúp con nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn. Vì thế, bố mẹ có thể dựa trên đặc điểm tâm lý của trẻ để đưa ra các lập luận sao cho thật phù hợp. 

Tìm ra phương pháp học thú vị, sáng tạo

Phương pháp học tập gây ảnh hưởng rất đến đến việc tiếp nhận kiến thức và giúp con đam mê hơn với môn học. Thực tế cho thấy những đứa trẻ được học tập theo phương pháp phù hợp sẽ tốt hơn so với số còn lại.

Chính vì thế, bố mẹ có thể hỗ trợ con tìm ra phương pháp học phù hợp. Chẳng hạn như nếu con muốn học qua thị giác thì các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con cách học qua hình ảnh, video, đồ hoạ… Nếu con muốn được học tập dựa trên thực tế thì bố mẹ có thể đưa con ra ngoài và lấy những ví dụ trực tiếp về bài học. 

Giáo viên ở trên lớp không có nhiều thời gian và khả năng để đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ học sinh cùng một lúc. Chính vì thế, để giúp việc học trở nên hấp dẫn hơn, bố mẹ có thể trực tiếp hỗ trợ thêm hoặc thuê gia sư nếu không đủ năng lực để giúp con học tập. 

Nhìn chung, xu hướng của hầu hết các em học sinh đều là học tập thông qua việc thực hành. Chính vì thế, vận dụng thực tiễn vào việc giảng dạy cũng là một trong những phương pháp nhằm kích thích sự sáng tạo và khả năng ghi nhớ từ các con. 

THAM KHẢO: XỬ LÝ THẤU TÌNH ĐẠT LÝ CỦA BÀ MẸ Ở HÀ NỘI KHI CON KHÔNG LÀM BÀI VỀ NHÀ

Là mẹ của ba đứa con, hai trai một gái (sinh năm 2006, 2010, 2017), chị Quỳnh Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – một kỹ sư thiết kế sân bay cũng có những lúc đối diện với những ngày "mưa nắng thất thường" của các con. 

Thời điểm khủng hoảng của gia đình là khi bé trai thứ hai học lớp 6, bé gái lớn cũng vừa qua một giai đoạn điêu đứng trước kỳ thi vào lớp 10 gần 1 tháng. Cô chị gái cũng từng đình công với việc học vì ham chơi điện tử, nhưng nhờ có kiến thức cơ bản tốt nên vực lên tương đối nhanh để đỗ được vào lớp 10 trường công.

Giai đoạn này khiến trong lòng chị Hương có một nỗi sợ hãi to lớn. Con không chép bài trong giờ học, không làm bài tập. Chị cứ đuổi theo con để thúc giục con chép bài và làm bài tập, nhưng không thể nghỉ làm ở nhà để xem con học gì trong giờ học và được giao bài gì để làm. 

Chị Hương sau đó đã lập ra một kế hoạch để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này:

Bước 1: Đầu tiên, nhìn nhận lại bản thân

Chị đã mất nhiều ngày và cả nhiều đêm (vì mất ngủ) để tìm hiểu nỗi lo sợ của bản thân mình. 

"Thứ nhất, mình sợ con mất kiến thức cơ bản và sẽ không thể học tiếp lên cao. Thứ hai, sợ con học dốt, không thể học hết cấp 2, rồi con không có việc làm tốt, con sẽ có cuộc sống vất vả. Và mình thấy mình thật kém cỏi khi không dạy con nên người. Những điều mình đang lo sợ là những điều chưa xảy ra trong hiện tại.

Mất kiến thức lớp 6 thì có học tiếp lên được không? Chính chồng mình đã tự học lại hoàn toàn kiến thức Toán, Lý, Hóa từ lớp 6 đến lớp 9 vào các năm cấp 3. Anh khẳng định với mình là nếu muốn sẽ học được. Nếu chỉ học hết lớp 6, con có thể làm gì? Con có thể làm công nhân và các công việc chân tay. Vẫn có những người công nhân có thu nhập đến 15 triệu/tháng nếu có tay nghề tốt (ngay trong công trình của chồng mình). Như vậy những nỗi lo của mình là những nỗi lo không có căn cứ. Những nỗi lo minh chứng cho sự kém cỏi của bản thân mình, mang tính chất than thân trách phận", bà mẹ 3 con chia sẻ.

Bước 2: Tìm phương hướng để thoát khỏi tình trạng bế tắc

Thứ nhất: Cần chấp nhận rằng con không thích học, và có thể không có khả năng học.

Thứ hai: Ở hoàn cảnh không có bằng cấp, chị Hương cần cùng con tìm giải pháp kiếm tiền phù hợp với con để con có thể tự nuôi sống chính bản thân con.

Thứ ba: Con cần biết con sẽ sống cuộc sống của chính con, không sống ỷ lại vào bố mẹ hay anh chị em khác.

Thời gian để bà mẹ này "thoát ra khỏi những suy nghĩ không mang giải pháp tích cực của chính mình" mất khoảng 1 tháng. Trong 1 tháng này, chị nói với con rằng "Mẹ đã quá mệt mỏi với tình trạng của con! Con hãy làm những gì mà con thấy là đúng! Mẹ sẽ quản lý thiết bị điện tử chặt hơn trước. Mỗi ngày con chỉ được chơi 1h khi mẹ ở nhà. Con vẫn phải làm việc nhà mỗi ngày".

Bé trai nhà chị Hương từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ sự đồng hành của mẹ.

Bước 3: Khám phá bản thân con và tìm mục đích sau những hành vi của con

Con trai chị Hương là một cậu bé nhạy cảm, tình cảm, lười vận động, hay để ý đánh giá của người khác, dễ nản chí, hay bỏ cuộc, dễ mất tập trung, thích hóng chuyện. Cậu bé có một ưu điểm là thông minh. Con cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ tiêu cực, đã từng mất ngủ thời gian dài (hơn nửa năm chỉ ngủ khoảng 2-4h/ngày) - có dấu hiệu trầm cảm.

Đặc điểm nổi bật của cậu bé vào thời điểm khủng hoảng là vô cùng tự ti, thấy mình là một sản phẩm thất bại, thấy mình không có bất kỳ khả năng gì. "Khi nghĩ kỹ về các tính cách của con, mình thấy thương con vô cùng. Con đã vô cùng cô đơn, bất an, không thấy chút xíu niềm vui nào cho sự tồn tại của chính con. Con thu hút sự chú ý của gia đình bằng những trò đùa "lầy", bằng những lời mắng chửi em bé", chị Hương nói.

Bước 4: Cho con thấy con là một cá thể độc lập, duy nhất, độc đáo và được yêu thương

Chị Hương đã cố gắng tìm hiểu rất nhiều định nghĩa, đặc biệt về cảm xúc, để có thể thể hiện rõ nhất tình cảm của mình dành cho con.

Khái niệm yêu: Yêu một ai đó là chấp nhận người đó không hoàn hảo, tin rằng người đó có khả năng thay đổi để tốt lên, có thể học hỏi và xứng đáng được hạnh phúc. Như vậy trước kia chị cảm thấy mình chưa hoàn toàn yêu con. Bây giờ mới đang học cách yêu con. Giai đoạn này, con vẫn bị hạn chế dùng thiết bị điện tử (tối đa 1h/ngày) và hàng ngày con vẫn phải làm việc nhà.

Ban đầu, con không tin mẹ đang thay đổi. Giai đoạn hai, con biết mẹ đang chiều con thì con hay đặt điều kiện với mẹ, kiểu: "Mẹ muốn con học bài thì mẹ phải cho con chơi". Giai đoạn ba, con biết mẹ yêu con nhưng không chiều theo con vô điều kiện và mẹ hay kể chuyện với con đủ thứ chuyện như với một người bạn, thì con hay tâm sự với mẹ đủ thứ chuyện diễn ra quanh con. Mẹ nói với con về niềm vui khi con nói chuyện được thêm với một người bạn. Mẹ khen con khi con kể lại với mẹ về bài học của con trên lớp. Mẹ thể hiện sự thán phục khi con kể với mẹ về những điều hay ho mà con khám phá ra.

Bước 5: Cùng con xác định mục tiêu cho tương lai của con

Sau hơn 3 tháng kể từ khi nhìn nhận lại bản thân, chị Hương thấy cả mình và con đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới.

"Trong buổi nói chuyện riêng giữa hai mẹ con, tôi hỏi con về dự định cho cuộc sống tương lai của con: Con sẽ làm gì khi học hết cấp 2? - Con sẽ có những lựa chọn nào hả mẹ?

Tôi nói: Nếu học tốt, con sẽ thi đỗ vào lớp 10 công lập. Và con sẽ học cấp 3. Tiếp tục học lên Đại học. Sau đó đi làm, thường là làm văn phòng như bố mẹ. Nếu học kém hơn, không có khả năng thi đỗ lớp 10 công lập, bố mẹ sẽ cho con học trung cấp. Con sẽ đi làm sớm hơn là học qua Đại học. Con sẽ làm công nhân kỹ thuật cao, công việc vất vả hơn bố mẹ, nhưng thu nhập cũng không quá thấp. 

Trường hợp xấu nhất là con bị đúp và không học được hết lớp 9. Con sẽ đi học nghề và đi làm công nhân luôn vào thời điểm nghỉ học. Thu nhập thấp hơn cả công nhân kỹ thuật cao nhưng con vẫn có tay nghề và vẫn đủ khả năng nuôi sống bản thân con. Con suy nghĩ rồi cho mẹ biết lựa chọn của con thế nào nhé!".

Con trả lời sau khoảng 15 phút suy nghĩ rằng sẽ cố gắng thi vào lớp 10 công lập. Chị Hương hẹn con ngày mai hai mẹ con sẽ tìm hiểu về kế hoạch cụ thể cho mục tiêu vào lớp 10 công lập của con!

Tạo cảm hứng cho con trong mỗi buổi học

Bước 6: Cùng con lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu của con

Chị Hương in bảng điểm chuẩn đỗ lớp 10 công lập của các năm học gần đây và cho con xem. Con nhận thấy để có thể học trong nội thành Hà Nội, điểm ba môn Toán – Văn – Anh của con phải trung bình từ 7.0 trở lên – cách tương đối xa với điểm trong năm lớp 6 của con. Hai mẹ con lên kế hoạch lấy lại kiến thức căn bản cho ba môn học chính.

Với môn Toán, chị Hương và con làm bài tập trong sách Toán cơ bản và nâng cao của thầy Tôn Thân. Nhờ là dân kỹ thuật, chị học cùng con và tìm những cách truyền đạt dễ hiểu nhất để giảng cho con, khuyến khích con đặt câu hỏi và cùng con tìm câu trả lời. Điểm Toán đầu năm của con đã có khởi sắc từ 7 trở lên (do con làm ẩu) và có cả 9, 10.

Với môn Văn, chị Hương và con tìm hiểu nghĩa của những từ chưa biết. Và chị chuyển con vào học lớp có cô giáo dạy Văn nhiệt tình, kiên nhẫn với những bạn học thiên về logic như con.

Với môn tiếng Anh, chị Hương học phiên âm từ để cố gắng làm bạn với con. Đồng thời, tìm cho con lớp học thêm logic và hệ thống tốt nhất. Với các môn học khác, chị đề nghị con chép ý chính và liên hệ thực tế nhiều nhất có thể; nếu có bài tập thì phải làm theo đúng yêu cầu. Trường hợp bài quá khó, con hỏi mẹ để có hỗ trợ. Đồng thời với việc củng cố các môn học, chị chuyển con từ lớp chọn sang lớp thường để giảm áp lực thành tích và giảm lượng bài tập các môn học.

Thành quả

Con vào lớp học mới gần hai tháng như cá gặp nước. Mỗi ngày con đều muốn là ngày đi học để được gặp các bạn, được biết thêm nhiều kiến thức mới. Con còn dám thể hiện mình ở những lĩnh vực từ trước đến giờ con nghĩ là mình kém cỏi như vẽ, hát, đóng kịch, phát biểu trước lớp. Con không còn sợ bị đúp và tin rằng mình có thể đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu của lớp trong tháng tới.

Cùng con trải qua giai đoạn khó khăn, chị Hương cho rằng, khi mẹ thay đổi, con sẽ thay đổi; trẻ sẽ làm theo những gì bố mẹ làm chứ không làm theo những gì bố mẹ nói. Bên cạnh đó, mẹ dám nhìn vào nỗi sợ của mình và chấp nhận nỗi sợ đó tồn tại, thì con cũng chấp nhận được nỗi sợ của con.

"Khi mẹ chấp nhận con người con, chấp nhận rằng có thể con không có khả năng học, và mẹ có thể hỗ trợ để con tìm ra điều mà con có khả năng thực hiện nhất, con sẽ rũ bỏ được tất cả các áp lực, sẵn sàng để thấy mình là chính mình, độc đáo và duy nhất. Đồng thời con cũng học được rằng cho dù thế nào luôn có người tin tưởng con có khả năng thay đổi để tốt lên, có người luôn yêu thương con dù con chỉ là con.

Khi con thấy mình luôn được yêu thương dù không có lý do gì. Con cũng yêu thương gia đình vô điều kiện, cho dù bố mẹ không kiếm tiền giỏi như bố mẹ bạn khác, cho dù bố mẹ không phải là quan chức như bố mẹ bạn khác, cho dù bố mẹ cũng còn vô vàn những điều chưa bằng bố mẹ bạn khác", chị Hương chia sẻ.

Bài viết trên đã chỉ ra cho bố mẹ biết cách xử lý khi con không chịu học. Hy vọng những thông tin bổ ích trên sẽ phần nào giúp đỡ các con hiểu và đam mê hơn đối với việc học. Chúc các bạn thành công!

>>Xem thêm: Đánh bật vết bẩn tại các vùng khó làm sạch ngay từ lần giặt đầu tiên với bột giặt Sense.




Cha mẹ có biết, lòng tự trọng hình thành và phát triển thông qua các trải nghiệm của trẻ với mọi người cùng hoạt động xung quanh. Xây dựng lòng tự trọng cho trẻ, chìa khóa giúp trẻ thành công là điều vô cùng cần thiết. Hãy cùng Sense tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây:

Khi bé được 6 tháng tuổi cả bố mẹ và bé đã quen với sự hiện diện của nhau. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ vẫn có những thắc mắc về giai đoạn 6 tháng tuổi này bé có những thay đổi mới gì và bố mẹ cần chuẩn bị, cần lưu ý những điều gì để chăm sóc bé tốt hơn? Hãy cùng Sense.vn tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Copyright © 2016 Vilaco.,JSC - Thiết kế website : www.vietads.net.vn