1. Nắm chắc các tên gọi đầy đủ
Ngày nay, bọn trẻ thường được dạy kỹ thuật nhớ thứ tự dựa trên những ký tự đầu của mỗi từ trong câu. Ví dụ khi bé học tên nguyên tố hóa học như K, Na, Ba, Ca, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au sẽ gói gọn trong câu ” Khi Nào Bạn Cần Mua Áo Giáp Sắt Nhìn Sang Phố Hỏi Cửa Hàng Á Phi Âu”.
Tuy nhiên, nếu bé không học thuộc đầy đủ và chính xác tên gọi của các nguyên tố thì dù có nhớ câu “nhắc mẹo” cũng sẽ rất khó khăn để gợi lại những cái tên đó khi cần. Vậy bạn nên nhắc con ghi nhớ các tên gọi dùng trong các câu “nhắc mẹo” tương ứng để học bài hiệu quả hơn và không bị lẫn lộn nhé.
2. Lặp lại, lặp lại, và lặp lại
“Trăm hay không bằng tay quen”, càng luyện tập nhiều con bạn sẽ càng nhớ bài lâu. Khi bé viết một công thức hoặc giải một đề toán nhiều lần, não bé sẽ được thực hành và nhanh chóng gợi lại ký ức quen thuộc mỗi khi gặp dạng bài tập tương tự. Đừng chần chừ, mẹ hãy giúp bé ôn lại các công thức và dạng bài cho đến lúc chúng ghi sâu vào tiềm thức và bản năng của trẻ.
Càng luyện tập nhiều bé sẽ càng nhớ lâu hơn
>>Xem thêm: Dạy trẻ cách trân trọng và giữ gìn đồ dùng
3. Kết nối cảm xúc
Đối với những chi tiết có mối liên hệ với cảm xúc, nhất là những cảm xúc tích cực, bé thường dễ nhớ hơn nhiều. Dĩ nhiên không phải lúc nào mẹ cũng tìm ra được những cảm nhận ấm áp gắn liền với các bài học của con để mà chia sẻ. Những khi đó, mẹ có thể giúp con kết nối bài học với một vài kinh nghiệm hoặc sự vật, sự việc bé từng nhìn thấy trong quá khứ.
Liên kết bài học với những kinh nghiệm thực tế
4. Giải lao giữa giờ
Việc tập trung liên tục trong nhiều giờ sẽ khiến bé tiêu hao khá nhiều năng lượng và việc này dễ khiến bé mệt mỏi. Nếu không được nghỉ ngơi, phần não trước chịu trách nhiệm tiếp nhận, sắp xếp và lưu giữ thông tin sẽ bị quá tải, dẫn đến tình trạng lẫn lộn kiến thức do nhồi nhét trong thời gian quá ngắn. Mẹ nên cho con nghỉ vài phút giải lao giữa giờ, sau đó ôn lại những gì bé vừa học, trước khi chuyển sang chủ đề mới.
5. Tránh xao lãng
Để nhớ hết các bài học, bé cần sự tập trung cao độ. Khi chú tâm vào sách vở, bé sẽ dễ thuộc bài hơn nhiều. Hoàn toàn không nên cho trẻ nghe nhạc trong khi học, ngay cả khi chỉ mở ở âm lượng nhỏ, bởi thứ âm thanh này sẽ làm đứt quãng sự tập trung và chiếm mất một phần dung lượng não của bé.
6. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp não bé củng cố lại tất cả những gì đã học trong ngày. Đó là thời gian não bộ xử lý và sắp xếp lại những dữ kiện tạm thời để lưu vào bộ nhớ của bé. Hơn nữa, trong khi ngủ, ký ức của bé sẽ được tổ chức lại và xoá bỏ những thông tin không cần thiết. Những kiến thức quan trọng được ôn đi ôn lại sẽ được lưu giữ ngăn nắp hơn trong não bộ, giúp bé dễ nhớ lại hơn khi cần sử dụng.
7. Lập thời gian biểu ôn tập
Thời điểm tốt nhất để cho con ôn tập là ngay khi bắt đầu có dấu hiệu quên đi những gì đã học. Mẹ có thể giúp con rèn luyện não bộ để nhớ bài tốt hơn dựa trên một thời gian biểu phù hợp. Ví dụ lần ôn tập đầu tiên sẽ bắt đầu sau khi bé tiếp thu một kiến thức mới khoảng vài phút, lần ôn nhắc tiếp theo cách lần đầu vài giờ, sau đó cách một ngày, rồi mỗi vài ngày ôn lại một lần…
Não bộ sẽ loại bỏ dần những gì bé đã cố “học gạo” chỉ trong một tuần sau kỳ thi và bé sẽ quên “sạch sành sanh” tất cả trong vài tuần sau đó. Vậy nên việc ôn tập thường xuyên rất cần thiết để củng cố những kiến thức bé đã học.
Một lưu ý mẹ nên nhớ nữa là đừng bao giờ khiến con căng thẳng nhé, bởi sự lo lắng sẽ chiếm hết năng lượng của não và gây khó khăn cho việc ghi nhớ những thông tin mới.