“Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”. Nhưng sự thật là trẻ em không tự biết ăn, biết ngủ biết học hành được, mà cần nhờ đến sự rèn luyện của bố mẹ và mọi người xung quanh mới có thể giúp trẻ tự giác và “ngoan” được. Vậy thì giúp trẻ như thế nào, rèn luyện cho trẻ ra sao? Mong rằng bài viết ngày hôm nay của bột giặt Sense sẽ có những thông tin hữu ích để trả lời được câu hỏi đó của các bạn.
BÍ KÍP “VÀNG” RÈN LUYỆN TÍNH TỰ GIÁC CHO TRẺ LÊN 3
Vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, đi sai làn đường…. là một vài trong số hàng vạn tình trạng chưa tốt trong xã hội chúng ta và nguyên nhân gây ra là do việc mỗi người chưa có được ý thức tự giác về việc nên làm hay không nên làm, mà chỉ chấp hành đôi khi rất miễn cưỡng, nếu có sự giám sát của cơ quan chứ năng. Điều đó cho thấy, ý thức tự giác không thể tự nhiên hình thành mà phải trải qua một quá trình giáo dục lâu dài.
Khi nào có thể dạy trẻ ý thức tự giác?
Ý thức về bản thân được hình thành từ khi trẻ chập chững biết đi, từng bước khám phá thế giới xung quanh, lúc trên một tuổi. Nhưng sự nhận thức về cái tôi - phân biệt được bản thân, biết rõ về cơ thể thì chỉ khi trẻ đã lên ba tuổi.
Khi bé bước sang tuổi thứ 3, các bố mẹ có thể bắt đầu rèn cho bé tính tự giác, tự lập
Giai đoạn này, trẻ bớt dần tính ái kỷ - chỉ biết có mình và suy nghĩ: cái gì trong tay ta là của ta. Trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến những người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Vì vậy việc cho trẻ đi học là hết sức cần thiết. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giúp trẻ có được ý thức về tự giác và bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng như về tư duy logic.
Dạy trẻ sự tự giác bằng cách nào?
Để dạy trẻ, bố mẹ thường nói với bé là con phải ngoan, con phải biết tự đi đánh răng mỗi buổi sáng, tự lấy quần áo ra mặc, buổi tối phải tự biết lấy vở ra chép bài không thì mẹ sẽ phạt ba roi. Điều đó chỉ đúng với suy nghĩ logic của người lớn, chứ không đúng với sự nhận thức và tư duy của một trẻ lên ba. Trẻ có thể làm nhưng thường chỉ thực hiện khi bố mẹ nhắc nhở nhiều lần hay dưới sự giám sát của người lớn hoặc sau rất nhiều cái... roi. Nói cách khác, yêu cầu thì hoàn tất nhưng ý thức tự giác vẫn là con số 0, thậm chí còn hình thành tính chống đối, không bắt buộc thì sẽ không làm.
Bố mẹ hãy giải thích cho trẻ những lợi ích, niềm vui mà việc trẻ làm sẽ mang lại
Vậy phải dạy bằng cách nào? Chúng ta hãy cho con biết việc con làm sẽ mang lại lợi ích gì cho bản thân và mọi người xung quanh. Có nhiều người sẽ nghĩ trẻ lên ba không hiểu được điều người lớn nói. Nhưng bố mẹ hãy tìm cách giải thích đơn giản, sinh động nhất với những câu chuyện, những trò chơi để trẻ vừa có hứng thú vừa hiểu được rõ việc mình cần làm. Chỉ khi trẻ hiểu được lợi ích/tác hại của việc trẻ đang làm, thì ý thức tự giác mới được khơi gợi và hình thành trong suy nghĩ của trẻ.
Dạy trẻ tự giác như thế nào?
Không phải chỉ giải thích và hướng dẫn trẻ thực hiện công việc là xong, mà việc giúp hình thành và rèn luyện tính tự giác cho trẻ lên 3 vẫn đòi hỏi các bố mẹ phải tuân theo một số nguyên tắc. Trước hết, hãy để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải chọn giữa cái không và cái có mà chọn giữa việc thực hiện như thế này hay thực hiện như thế kia. Sau đó trong giai đoạn đầu, bố mẹ cần biết cách “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất và khi trẻ đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý:
Hãy để trẻ tự làm công việc của mình, dù lâu dù chậm hay dù sai sót, sẽ giúp trẻ ghi nhớ và làm tốt hơn
Thứ nhất là hãy để cho trẻ tự làm, ngay cả khi có sai sót, vì như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm, và cho dù thời gian trẻ làm có dài gấp đôi nhưng bố mẹ cũng nhất quyết không can thiệp. Không tuân thủ nguyên tắc này là nguyên nhân khiến việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không chịu nổi sự chậm chạp và vụng về của trẻ, để rồi “ra tay” hoàn tất công việc trong tích tắc, thay vì phải chứng kiến sự rề rà của con.
Thứ hai là đảm bảo tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác được nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức.
Dạy trẻ trong bao lâu?
Thói quen tốt là một quá trình rèn luyện rất lâu dài và vất vả. Còn một tính cách như tính tự giác thì công cuộc “xây dựng” còn gian nan và cần nhiều sự kiên nhẫn hơn nữa. Và mỗi một trẻ lại có những khả năng tiếp thu cũng như hình thành thói quen, xây dựng tính cách khác nhau, cho nên việc tập cho trẻ cũng phải tùy theo khả năng của từng em mà nhanh chóng hay kéo dài.
Dù sao, việc dạy trẻ cũng phải mang tính thường xuyên, từng bước một và luôn luôn cần động viên, nhắc nhở. Trẻ rất thích được khen, vì thế, trong quá trình thực hiện, bố mẹ nên có những lời khích lệ, động viên nhưng cũng phải hợp lý và chừng mực.
Giáo dục con trẻ cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn vô cùng của các bậc cha mẹ
Để hình thành một tính cách, chắc chắn không thể là những tác động kiểu “mì ăn liền” mà là một quá trình giáo dục lâu dài, bền bỉ. đi từ những chuyện nhỏ nhất, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nhưng đến khi con trẻ đã hình thành được tính tự giác, sẽ là tiền đề phát triển rất tốt và vững chắc cho nhân cách và thành công sau này của con.
Trong cuộc đời con người, có ba điều quan trọng là "lập ngôn, lập chí và lập nghiệp" – mà muốn có được các điều này thì không thể chỉ biết dựa vào sự chăm sóc hỗ trợ của cha mẹ, và của những người xung quanh mà phải bằng sự Tự lập. Chính vì thế, ý thức tự giác mà chúng ta giúp cho con hình thành trong mùa xuân của cuộc đời, chính là bước đầu cho quá trình thành người. Một con người có thể bước đi trong cuộc đời bằng bàn chân và khối óc của mình cũng như tự tin vào chính mình, điều đó, chúng ta gọi là Hạnh Phúc!
Mong rằng với những chia sẻ phía trên của bột giặt Sense, các ông bố bà mẹ sẽ trả lời được những điều bấy lâu nay vẫn thắc mắc về việc làm thế nào để dạy con tính tự giác. Nếu bạn đọc có ý kiến hoặc thông tin muốn chia sẻ, hãy liên hệ với Sense để lan tỏa những điều hữu ích đến với tất cả mọi người nhé.