Có lẽ nhiều người đọc tiêu đề sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên. Tại sao lại không khen con? Bảo là không nên chê bai hoặc phê bình thì còn hợp lý. Lời khen mang lại nhiều điều tốt đẹp, tại sao lại không làm, đặc biệt là khi con trẻ thông minh, chúng ta càng cần phải khẳng định điều đó chứ? Vậy thì mời bạn đến với bài chia sẻ của Sense để trả lời những thắc mắc đó nhé.
TẠI SAO NÊN KHEN NGỢI TRẺ
Chắc chắn các bậc cha mẹ đều muốn và thường xuyên đưa ra những lời khen cho con mình. Điều đó hoàn toàn đúng và rất tốt, bởi lời khen chính là phần thưởng tinh thần to lớn đối với trẻ. Đôi khi một lời khen đơn giản còn có giá trị hơn rất nhiều món đồ chơi đắt tiền khác.
Ngoài ra lời khen còn tạo động lực để trẻ phát triển và làm những điều tốt hơn nữa. Khi trẻ cảm thấy việc làm của mình là tốt, mang lại lợi ích và được ba mẹ, mọi người công nhận, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy tự hào và mong muốn được khen thêm nữa, và sẽ làm những việc tốt nhiều hơn nữa.
Lời khen là phần thưởng tinh thần vô cùng quý giá đối với trẻ nhỏ
KHEN NGỢI TRẺ NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
Lời khen được ví như hạt giống tâm hồn, gieo vào trong suy nghĩ của đứa trẻ những điều tích cực, tốt đẹp. Nhưng vì là “hạt giống” nên cũng phụ thuộc rất nhiều vào các “gieo trồng” của cha mẹ và mọi người xung quanh, có thể sẽ nảy mầm, đơm hoa thơ kết trái ngọt, nhưng cũng có thể bị mối mọt, lụi tàn.
Nguyên tắc chung khi khen ngợi trẻ
Trẻ học nhanh hơn khi có thông tin phản hồi cụ thể về những gì chúng làm tốt. Nhà tâm lý học J. Henderlong và tiến sĩ M. Lepper đã có hơn 30 năm nghiên cứu về tác động của những lời khen với trẻ và rút ra kết luận rằng những lời khen ngợi có thể là động lực mạnh mẽ nếu bạn làm theo những hướng dẫn sau:
- Hãy chân thành và cụ thể với lời khen của bạn
- Lời khen chỉ có ích với những đặc điểm có thể thay đổi ở trẻ.
- Sử dụng lời khen một cách thực tế đi kèm vời những tiêu chuẩn nhất định
- Cẩn thận những lời khen mà trẻ không cần phải quá nỗ lực mới đạt được
- Khuyến khích trẻ tập trung vào kỹ năng cụ thể không phải dựa trên những so sánh giữa chúng với những đứa trẻ, những người khác.
Lời khen không hoàn toàn vô hại như bạn nghĩ mà cũng cần có những nguyên tắc để mang lại lợi ích cho con trẻ
Đừng khen trẻ thông minh.
Khi trẻ đạt điểm số cao, khi trẻ vẽ được bức tranh đẹp hay thậm chí chỉ là khi trẻ có một hành động đáng yêu, khác lạ và lém lỉnh, nhiều bậc cha mẹ cũng thường xuyên khen: “Con thông minh quá!”. Nhưng bạn nên biết, điều đó thực sự không tốt.
Theo các nhà nghiên cứu, bất cứ ai cũng đều mang trong mình 2 nếp suy nghĩ tích cực và tiêu cực từ khi lên ba tuổi. Vậy nên nếu cha mẹ cứ mãi khen con thông minh quá thường xuyên, đẩy cao suy nghĩ tích cực rằng: “mình rất thông minh” của đứa trẻ. Nhưng nếu rồi một ngày khi gặp phải một vấn đề khó khăn, khi vấp phải thất bại thì các bé sẽ dễ bị rơi vào suy nghĩ tiêu cực: “Hóa ra mình chẳng giỏi gì cả” và sẽ không tin tưởng vào lời khen của cha mẹ nữa.
Có một câu nói rất nổi tiếng: “Thiên tài chỉ có 1% là thông minh, còn 99% là nỗ lực”. Trí thông minh là năng lực bẩm sinh của trẻ, sẽ giúp đỡ rất nhiều cho sự phát triển. Nhưng chỉ có thông minh thôi thì chưa thể đủ để trẻ thành công được. Mà phải cần có cả sự rèn luyện, sự chăm chỉ, nỗ lực hàng ngày.
Nếu ba mẹ luôn khen con thông minh, sẽ khiến đứa trẻ nghĩ rằng việc mình làm tốt là do trí thông minh của mình, mà bỏ quên đi yếu tố “chăm chỉ, nỗ lực”, khiến đứa trẻ dễ trở nên lười biếng và dựa dẫm vào sự “thông minh”.
Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau khi được khen là thông minh vì giải được một bài toán, trẻ có xu hướng không muốn làm những bài toán khó hơn. Đó là bởi vì trẻ lo lắng thất bại, nếu không làm được bài tốt sẽ khiến bố mẹ nghĩ chúng không còn thông minh.
Hãy khen con trẻ bởi sự nỗ lực, cố gắng của trẻ hơn là chú trọng vào thành tích trẻ đạt được
Khen trẻ đúng cách
Khen ngợi dựa trên sự nỗ lực của con. Thay vì khen “thông minh” thì cha mẹ có thể khen bé: “Tốt lắm, đó là phần thưởng cho sự cố gắng của con đấy”. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra rằng việc chăm chỉ, cố gắng phấn đấu sẽ tạo ra phần thưởng và những lời khen.
Gắn lời khen với những việc mà trẻ đã làm được. Ví dụ như: “Tóc con đẹp quá, là do con tự chải đúng không?” hay như “Con đạt điểm 10 Toán à? Tuyệt quá, mẹ tin là việc con chăm chỉ học sẽ mang lại kết quả cao mà.”
Lời khen phải đúng mực, phù hợp. Nếu trẻ làm đượcmột việc đơn giản như đưa đồ giúp mẹ hay sắp xếp đồ chơi, bạn có thể đưa ra lời khen như một lời khen: “Cảm ơn con, con biết giúp mẹ vậy là rất ngoan”. Còn khi trẻ thực hiện được những việc khó hơn, có được những thành công lớn thì lời khen và thái độ khen ngợi của bạn cũng nên chân thành và phù hợp để động viên trẻ kịp thời.
Nhớ cho trẻ biết lý do trẻ được khen. Khi phê bình, chê trách luôn cần phải có lý do rõ ràng, nhưng lời khen cũng không thể khen bừa được. Bạn hãy giải thích cho trẻ về việc trẻ làm tốt để được khen, nếu không trẻ sẽ không hiểu được vì sao mình được khen và sẽ không biết cách để phát huy những yếu tố tích cực đó.
Cha mẹ phải nhớ: không được so sánh. Dù là khen hay chê, chúng ta cũng không nên so sánh con trẻ với người khác. Khen con vì điều con nỗ lực, điều con làm tốt, không phải vì con làm tốt hơn bạn hàng xóm.
Điều cấm kị khi đưa ra lời khen chính là sự so sánh
Nuôi dạy một đứa trẻ giống như là “công trình trọn đời” của những bậc làm cha làm mẹ. Chúng ta không thể mong muốn hôm nay mình sinh con, mai con mình lớn lên sẽ trưởng thành, sẽ tài giỏi được. Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ là cả một quá trình cần sự kiên nhẫn và hiểu biết của cha mẹ.
Lời khen là một trong những yếu tố tích cực rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nhưng hãy là những bậc cha mẹ thông thái để biết nên khen con lúc nào, khen điều gì và khen như thế nào nhé. Mong rằng những chia sẻ vừa rồi của bột giặt Sense sẽ mang lại những thông tin, kiến thức bổ ích cho bạn. Nếu bạn có ý kiến phản hồi hoặc thông tin bổ ích, đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ ngay với Sense nhé.