Thông tin này được cho biết tại hội thảo "Chăm sóc và giáo dục trẻ có quyền đặc biệt - Cách phối hợp chương trình can thiệp sớm với phụ huynh cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại nhà".
Nhiều cha mẹ bỏ lỡ thời điểm vàng can thiệp cho con tự kỷ
Theo định nghĩa của các chuyên gia, trẻ có quyền đặc biệt là những trẻ mang hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASDs) hoặc trẻ trong quá trình phát triển có những khó khăn về kiểm soát cơ thể và vận động, ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội, điều tiết cảm xúc, thích nghi với môi trường, hợp tác với người lớn và bạn bè.
Thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 49 tài liệu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ đang được sử dụng.
Tuy nhiên, chỉ 15,9% phụ huynh được hỏi là có biết và tiếp cận các tài liệu này, còn lại chủ yếu tìm hiểu qua báo mạng và các tài liệu phát tay.
Vì thiếu thông tin, nhiều cha mẹ gia đình đã bỏ lỡ thời điểm "vàng" từ 0-6 tuổi là giai đoạn lý tưởng nhất để tiến hành can thiệp sớm.
Một phụ huynh có con bị tự kỷ xúc động chia sẻ cảm xúc của mình
Tiến sĩ Simona Bossoni, chuyên gia ngành Giáo dục đặc biệt tại Ý chia sẻ, 5 năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển thần kinh.
Trong thời gian này, não bộ đang phát triển với tốc độ cực nhanh nên đây chính là thời điểm lý tưởng để tận dụng tính dẻo thần kinh hay còn gọi là tính dẻo của não nhằm thích nghi với môi trường xung quanh.
Chậm trong giao tiếp và ngôn ngữ thường là dấu hiệu đầu tiên của các vấn đề phát triển ở trẻ nhỏ. Khi chậm những kỹ năng này, việc hiểu và tương tác những những trẻ khác cũng có thể bị chậm lại.
"Khi xác định được các vấn đề ở một trong các mặt phát triển, chúng tôi khuyến khích các gia đình tìm kiếm sự can thiệp càng sớm càng tốt.
Việc chẩn đoán và can thiệp sớm cho các trường hợp chậm phát triển sẽ tăng khả năng cải thiện, hơn là chỉ đơn giản "chờ đợi" và can thiệp các vấn đề sau đó" - Tiến sĩ Simona nói.
Các nhà sáng lập mong muốn hỗ trợ sự khác biệt của các em, giúp hành trình giáo dục được đồng hành và không bị đơn độc
>> Xem thêm: Học bà mẹ người Mỹ chia sẻ cách khiến trẻ ngừng khóc lóc, mè nheo
10 nguyên tắc hỗ trợ sự dẻo dai thần kinh của trẻ tự kỷ
Bà Simona cũng thông tin về 10 nguyên tắc được chứng minh là tạo điều kiện thuận lợi cho sự dẻo dai thần kinh trong can thiệp sớm ở trẻ có quyền đặc biệt được công bố vào năm 2008 bởi các nhà nghiên cứu Kleim và Jones. Đó là:
1. Sử dụng hoặc mất đi
Trẻ em không thường xuyên sử dụng và thực hành một kỹ năng có thể mất những kỹ năng này và chức năng não dành riêng cho những kỹ năng này.
2. Sử dụng nó và cải thiện
Đào tạo hoặc thực hành cụ thể sẽ thúc đẩy một chức năng.
3. Tính cụ thể
Thực hành từng kĩ năng phải thật cụ thể để tạo tính dẻo. Ví dụ, để tập đi, bé phải tập đi từng bước, chứ không chỉ là các kỹ năng vận động chung.
4. Sự lặp đi lặp lại
Cần phải lặp lại đủ để tạo ra sự dẻo dai, củng cố kỹ năng và sự ghi nhớ về cách thực hiện kỹ năng.
5. Cường độ
Việc luyện tập kỹ năng phải diễn ra thường xuyên để tạo độ dẻo.
Tiến sĩ Simona Bossoni, chuyên gia ngành Giáo dục đặc biệt.
6. Vấn đề thời gian
Các dạng dẻo khác nhau xảy ra trong các giai đoạn khác nhau của quá trình học. Ví dụ: học kiến thức mới về một việc phải làm, tinh chỉnh quá trình thực thi và làm cho kỹ năng trở nên tự nhiên để bạn có thể thực hiện mà không cần nghĩ đến nó.
7. Yếu tố động lực
Nếu những việc phải làm tạo động lực cho trẻ thì trẻ có thể học một cách dễ dàng.
8. Vấn đề tuổi
Tính dẻo xảy ra dễ dàng hơn ở những bộ não khi còn nhỏ, vì não khi còn nhỏ cởi mở hơn với các cơ hội.
9. Chuyển giao
Việc thực hành các kỹ năng nên diễn ra trong nhiều môi trường, để đứa trẻ có thể học cách khái quát chúng.
10. Sự can thiệp
Tính dẻo có thể là tốt hoặc không tốt. Ví dụ, nếu bạn có một thói quen không tốt thì rất khó để từ bỏ. Cần có thời gian và sự nỗ lực để học một thói quen mới thay thế.
Các hoạt động ngoại khóa tạo nên một sân chơi giúp các bé kết hợp vừa chơi đùa vừa có thể phát triển vận động, nhận thức, ngôn ngữ, và tương tác xã hội
Tình yêu thương trẻ con là điều không thể thiếu
Cách đây hơn 10 năm, ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi đã trở thành đại sứ của chương trình "Ngày thế giới vì trẻ em tự kỷ" tại Úc.
Tại hội thảo, Thanh Bùi chia sẻ anh từng bất ngờ và rất bức xúc khi được nhiều bác sĩ giỏi thông báo hai con của mình bị tử kỷ.
Đó cũng là một trong những lý do mà anh tích cực hoạt động trong công tác lan tỏa sự quan tâm của mọi người trong xã hội đối với hội chứng tự kỷ cũng như về những trẻ em mang hội chứng này.
"Từ 0-6 tuổi là khoảng thời gian vàng, do đó vợ chồng Thanh đã bỏ hết tất cả để quay trở về nhà để lo cho các con, bởi vì sau đó sẽ rất trễ.
Thanh đã từng bị rối loạn khi con mình bị như vậy, mình đi khắp Việt Nam và cũng thấy ở tất cả mọi người sự rối loạn.
Đến bây giờ, hai đứa trẻ của tôi phát triển còn nhanh hơn độ tuổi của các con. Đó là nhờ có những nhà chuyên môn như cô Simona (chuyên gia giáo dục tự kỷ Ý).
Thanh mong câu chuyện của mình sẽ liên kết được với nhiều người hơn" - nhà sáng lập dự án Trung tâm Giáo dục Special Em's chia sẻ.
Cô Trịnh Thị Kim Ngọc, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM chia sẻ, có một điều không thể thiếu được trong ngành Giáo dục đặc biệt là kỹ năng chuyên môn cao và tấm lòng yêu thương trẻ con.
Khi hiểu rằng mỗi trẻ là mỗi cá thể đặc biệt cần định hướng phát triển riêng, thầy cô sẽ đánh giá, chẩn đoán và can thiệp bằng những phương pháp tối ưu nhất hiện có.
Thế giới ban đầu của các em là những mảnh ghép hình đơn lẻ, rời rạc và vô nghĩa.
Nếu nhận được sự chăm sóc của người nhà và những người bạn tốt ngoài kia, thế giới của các em có thể bắt nhịp được với thế giới của nhiều người khác nhau trong xã hội.
Cha mẹ hãy dành nhều thời gian để quan tâm, vui chơi và chăm sóc bé để bé có thể bắt nhịp được với thế giới
Từ đó, trẻ có thể vươn xa hơn và trở thành công dân toàn cầu trong tương lai, thể hiện được tài năng của mình. Sense chúc các bạn thành công trong việc nuôi dạy con trẻ!