Jack Ma: "Chỉ những học sinh không quá giỏi mới có đủ thời gian rỗi để học các kỹ năng khác"
Jack Ma kết hôn với người bạn đại học Zhang Ying ngay sau khi họ tốt nghiệp vào năm 1988. Đôi vợ chồng có ba người con, hai gái, một trai. Có thể do không muốn giới truyền thông làm phiền các con của mình nên Jack Ma rất ít khi chia sẻ về các con của ông và thông tin về họ cũng không xuất hiện nhiều trên báo chí, nhất là thông tin về hai người con gái của ông. Tuy nhiên, trong một vài câu chuyện, bài phát biểu và trong một quyển sách của mình, Jack Ma đã đôi lần nhắc đến những câu chuyện nhỏ của mình với con trai và tất cả những câu chuyện đó đều khiến người ta không khỏi khâm phục ông.
Thực sự, Jack Ma có lẽ không phải là một người bố tốt nhất đối với những đứa con của mình, nhất là với cậu con trai Jerry Ma. Trong một bài phỏng vấn trên trang Celebritychina, bà Zhang Ying đã chia sẻ rằng Jerry Ma nên được coi là một “nạn nhân” của Alibaba. Jerry sinh năm 1992, cùng thời điểm với khoảng thời gian mà hai vợ chồng Jack bắt đầu dấn thân vào kinh doanh. Lúc đó, một cậu bé còn nhỏ đã phải sống trong căn phòng chẳng lấy làm rộng rãi gì nhưng xung quanh luôn có 30 người chen chúc, đầy tiếng ồn và khói thuốc. Cậu bé phải ở trong phòng cả ngày, ăn uống và vui chơi bên bố mẹ khi họ làm việc. Càng lớn, Jerry càng giống cha mình, gầy và nhỏ như một que diêm, chỉ có cái đầu to.
Jack Ma và con trai Jerry Ma
Khi chỉ mới 4 tuổi, Jerry đã phải ở nội trú 5 ngày mỗi tuần và chỉ được về nhà vào cuối tuần. Và khi đến 10 tuổi, bởi không có sự quan tâm của bố mẹ, Jerry bị sa lầy trong các trò chơi game và bị nghiện. Cậu bé thường đi thâu đêm để tụ tập chơi game với bạn bè. Cho đến khi Jerry 12 tuổi, Jack Ma lần đầu tiên nghe thấy con nói rằng: “Bố mẹ không ở nhà, lúc về nhà cũng chỉ có công việc, con có ở nhà cũng chỉ có một mình”. Lúc đó, ông đã rất sốc và quyết định bàn với vợ rằng bà sẽ từ chức và ở nhà chăm sóc con.
Ông nói với vợ rằng: “Em rời Alibaba thì cũng chỉ mất đi ít thu nhập, nhưng nếu em không về nhà, con trai sẽ hư mất, bao nhiêu tiền cũng không cứu được. Con trai chúng ta và tiền bạc, chọn một, cái mà em muốn?". Và từ đây, những câu chuyện dạy con của người tỷ phú Trung Quốc này dần được hé lộ.
Con hãy cầm tiền và đi chơi game đi
Khi vợ chồng Jack Ma nhận ra sai lầm của mình khi không chăm sóc con thì lúc đó, cậu bé Jerry đã là một kẻ nghiện game nặng. Do đó, Jack đã quyết tâm rằng phải cai nghiện game thành công cho con trai. Bà Zhang Ying nói rằng vào một buổi tối mùa hè, Jack Ma đã đưa cho Jerry 200 NDT, tương đương với 700.000 đồng và nói với Jerry rằng con hãy đi chơi game hết số tiền này đi. Nhưng lúc về, hãy trình bày cho bố lợi ích của việc chơi game.
Khi Jerry nghiện game, Jack Ma quyết tâm cai nghiện cho con bằng cách cho con 700.000 đồng và nói rằng hãy đi chơi game hết số tiền này đi.
Lúc đó, Jerry vô cùng sung sướng, cầm tiền và chạy đi chơi suốt 3 ngày 3 đêm mới về. Vừa về tới nhà, việc đầu tiên cậu làm là ăn ngấu nghiến rồi lăn ra ngủ. Khi bị cha hỏi, cậu bé nói: "Vừa đói, vừa buồn ngủ, vừa mệt, khắp mọi chỗ trong người không thoải mái nên con chẳng thấy mấy trò game đó có lợi ích gì". Ngay sau đó, Jack Ma mới nghiêm nghị nói với Jerry rằng: "Vậy con có muốn chơi nữa không? Con đã chơi đủ chưa? Giờ đã muốn về nhà chưa". Jerry lúc đó đã không nói nên lời. Sau lần đó, dưới sự trông coi, chăm sóc của mẹ, Jerry vì thế dần dần cai nghiện khỏi trò chơi điện tử. Và cũng chính vì cậu con trai nghiện game online nên Jack Ma đã không đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhưng điều tuyệt vời hơn là sáu tháng sau lời giáo huấn của cha, Jerry đã vọt lên vị trí thứ 17 trong lớp. Thầy giáo của cậu bé nói rằng Jerry không chỉ có điểm số tốt hơn mà cũng rất hòa nhập, trở thành người hướng ngoại, thích cười và khoan dung hơn.
Vợ Jack Ma đã hy sinh sự nghiệp để lựa chọn con trai của họ.
Con không cần con phải nằm trong top 3 của lớp, học lực trung bình là ổn
Tháng 4/2015, trong cuốn sách Jack Ma's Internal Speeches: Trust in Tomorrow" (tạm dịch: Những bài phát biểu nội bộ của Jack Ma: Hãy tin ở ngày mai) của nhà xuất bản Red Flag Publishing, Jack Ma đã khiến các bậc phụ huynh “dậy sóng” bởi câu nói mà ông đã nói với con trai của mình rằng: “Con không cần phải cố gắng để lọt vào top 3 bạn học sinh giỏi nhất lớp, con chỉ cần đứng trung bình ở giữa lớp là được rồi, miễn là điểm số của con không quá tệ. Chỉ những người này (tức là những học sinh đứng trung bình giữa lớp) mới có đủ thời gian rỗi để học các kỹ năng khác”.
Điều này hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ truyền thống không những của người Trung Quốc mà thậm chí là suy nghĩ của toàn thể các bậc cha mẹ Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bởi ở châu Á, mọi người luôn quan niệm rằng học sinh phải cố gắng để trở thành người giỏi nhất và gạt đi hầu hết mọi thứ để có thể học xuất sắc trong lớp. Bất kỳ ai muốn học ở một trường đại học tốt đều phải học chăm chỉ và có điểm số cao trong các kỳ thi. Bất kỳ kỹ năng nào mà các học sinh phát triển được bên ngoài lớp học đều không liên quan gì đến các điều kiện để được đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng tốt. Nghĩa là, từ quan điểm của một học sinh, những hoạt động, kỹ năng bên ngoài chỉ là sự tốn thời gian, nếu mục tiêu là vào một trường đại học tốt.
Jack Ma nói với vợ: “Em rời Alibaba thì cũng chỉ mất đi ít thu nhập, nhưng nếu em không về nhà, con trai sẽ hư mất, bao nhiêu tiền cũng không cứu được".
Nhưng Jack Ma thì lại cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc phát triển là nhờ những cá nhân biết động não và tinh thần kinh doanh. Rút kinh nghiệm từ bản thân ông, Alibaba đã trở thành một trong những công ty thành công nhất thế giới dù rằng ông không phải là một học sinh giỏi. Thậm chí, trong thực tế, ông còn 3 lần thi trượt đại học. Và rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc cũng như thế giới đã thành công dù họ không phải là những học sinh, sinh viên đứng trong "top 3".
Hãy luôn nghĩ cho bản thân mình trước tiên
Có lẽ, Jack Ma không phải là một người cha tốt. Nhưng không thể phủ nhận ông luôn xuất hiện vào những thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của con cái, khi con gặp khủng hoảng và khi con thực sự trưởng thành. Bởi vậy, năm Jerry 18 tuổi, trước khi bắt đầu đi học tại Đại học Berkeley, California, Mỹ, không có cha mẹ bên cạnh, Jack Ma đã gửi cho con một bức thư với nội dung ngắn gọn nhưng vô cùng xúc tích. Trong thư, ông nhắn gửi con ba điều:
- Một là luôn nghĩ cho bản thân và phán xét độc lập.
- Hai là luôn giữ tinh thần lạc quan - có rất nhiều vấn đề xảy ra trên thế giới nhưng chắc chắn vấn đề nào cũng tồn tại giải pháp của nó.
- Thứ ba là, hãy thành thật, nhất là với cha của con.