1.Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tự hạ mình, hoặc phải nâng con lên địa vị của một người lớn để cha/mẹ và con có thể đặt ở vị trí ngang bằng nhau. Cha mẹ không nên nhìn xuống con cái theo đường chéo với kiểu người lớn – con nhỏ. Đây là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để nói chuyện với con, bởi hợp phong cách mới có thể chơi được.
Đặt ngang bằng không có nghĩa là cá mè một lứa, mà ở đây chính là bạn đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Cứ nhìn vào cuộc sống, những bà mẹ U50 càng “xí xọn” càng thân với con gái, nhưng ông bố càng tỏ ra là nghiêm càng đẩy con ra xa mình.
Khi bạn và con có thể thoải mái tự do nói chuyện như hai người bạn thì con cũng sẽ cởi mở chia sẻ mọi thứ với bạn hơn.
2.Suy nghĩ như con trẻ
Trong cuộc sống, trước một sự vật, hiện tượng, chúng ta thường mô tả, chỉ trích, bình luận, nhận định mà ít đưa ra giải pháp. Ta áp dụng thói quen này trong cả việc nuôi dạy con. Điều này không mang lại lợi ích nào cho con trẻ, chưa kể sẽ khiến con tách xa bạn hơn.
Các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng mình cũng từng trải qua tuổi ấu thơ với những suy nghĩ non nớt như con cái bây giờ. Vì thế, khi con bạn phạm sai lầm, chớ vội nổi nóng và “trưng dụng” quyền làm cha mẹ vào những hình phạt nhất là về thể xác như: bắt con quỳ gối hay thậm chí là đánh con. Những lời khiển trách hay hình phạt chỉ khiến con sợ hãi và ngày càng xa cách cha mẹ. Thay vì nhỏ to tâm sự mọi chuyện, con trẻ sẽ cố gắng giấu diếm những chuyện chúng cho là có thể làm phật ý bố mẹ.
Cha mẹ nên cố gắng suy nghĩ như trẻ thơ và phân tích tại sao con lại làm như vậy mà không cư xử khác. Nguyên nhân sâu xa, nguồn gốc của sự việc nằm ở đâu. Hãy phân tích cho con trẻ hiểu rằng những hành động thiếu suy nghĩ sẽ đem lại hậu quả to lớn và ảnh hưởng đến nhiều người như thế nào. Dạy con sống có trách nhiệm bằng cách cho con đi “giải quyết hậu quả” những việc đã làm sai. Ví dụ nếu con bạn lỡ đá bóng làm vỡ cửa kính, hãy cho con đeo găng tay thật dày (tránh việc kính làm xước tay) rồi tự nhặt hết những mảnh vỡ cho vào thùng rác. Nếu con bắt nạt thú cưng, hãy phân tích cho trẻ thấy thú cưng cũng có cảm giác và cũng biết đau, dạy trẻ biết trân trọng thú cưng bằng cách vuốt ve chúng…
3. Có cùng sở thích với con
Cũng như người lớn, thường trẻ con thích đề tài gì sẽ thường nói chuyện về đề tài đó. Nếu con bạn thích chơi game, thích ca sĩ nhí, phim hoạt hình nào đó thì cha mẹ cũng nên thử trải nghiệm, thưởng thức để hiểu thẩm mỹ của trẻ và có chung đề tài để chuyện trò như những người bạn . Bắt đầu từ đề tài con thích, cuộc nói chuyện sẽ thêm phần hào hứng và trẻ sẽ biết lắng nghe lời nói của cha mẹ hơn. Việc tìm hiểu gu sở thích, thẩm mỹ của con trẻ cũng giúp cha mẹ kịp thời định hướng, điều chỉnh khi cần thiết. Hướng trẻ đến với những giá trị thẩm mỹ đích thực để giúp trẻ phát huy tâm hồn cùng nhân cách sống đẹp.
Bên cạnh đó bạn cũng phải tôn trọng ý kiến, sở thích của trẻ . Chỉ nên góp ý thêm khi thực sự cần thiết,đồng thời dạy trẻ cách chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
4. Đôi khi giả vờ “ngu”
Để chơi được với con, đôi khi cha mẹ cũng nên giả vờ “ngu”, coi mình không biết. Nếu muốn khai thác một thông tin nào đó từ con, tại sao bạn không giả vờ như mình như chưa biết gì: “Con ơi, chỉ cho bố chơi game này đi”, đảm bảo bé sẽ rất hào hứng chia sẻ cùng bạn. Nếu chơi với ai mà lúc nào bạn cũng bị lép vế, bạn có thích không?
5. Tham gia hoạt động thể thao cùng trẻ
Thế giới ngày càng bị công nghệ và mạng xã hội chi phối. Các hoạt động thể thao khuyến khích trẻ giao tiếp trực tiếp, tăng cường sức khỏe và khả năng học hỏi, giải quyết vấn đề. Đó có thể là vẽ tranh ở siêu thị, tô tượng, chơi cờ caro, cờ tướng, bơi lội hay cầu lông,… Nếu bạn ở những vùng quê, vùng biển thì có thể tận dụng khoảng không gian trống ở nơi đây để chơi với trẻ. Nếu ở thành phố hãy đăng ký cho trẻ học ở một trung tâm thể thao.
Đọc sách cùng nhau cũng có thể là một ‘lựa chọn thể thao’ cho trí não. Việc cùng chơi thể thao với trẻ giúp cho khoảng cách giữa bạn và trẻ càng gần hơn, trẻ bộc lộ cá tính và giúp ta hiểu trẻ hơn
6. Thường xuyên thể hiện tình cảm với con
Khi còn nhỏ, ngoài việc ăn, chơi, ngủ, học… con còn cần một thứ cực kỳ quan trọng, đó là được ôm ấp và vuốt ve. Đây là nhu cầu mãnh liệt của bất cứ trẻ em nào
Chúng ta hay suy nghĩ về những điều to tát mà quên đi những thứ bình thường. Những cái vô hình thực ra lớn hơn những cái có thể nắm bắt được rất nhiều. Đi tìm những cái vĩ đại không thể giúp con cái trở thành những người vĩ đại, bé có thể thành công, thành đạt nhưng chưa chắc đã thành nhân. Thành nhân chỉ có thể nhờ tình yêu thương của cha mẹ.