1. Mang thai
Trong giai đoạn này, người mẹ lưu ý chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, và ưu ái thêm một số món giúp tăng chiều cao cho con từ trong bụng mẹ. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất và canxi.
Trong suốt thai kỳ, nếu người mẹ ăn uống tốt và tăng khoảng 10 – 20kg thì con sẽ đạt được chiều cao 50cm lúc chào đời và nặng từ 3kg trở lên.
2. Giai đoạn 0-3 tuổi
Đây là giai đoạn con lớn rất nhanh, có nhiều khác biệt rõ rệt về chiều cao, cân nặng qua từng mốc thời gian. Giai đoạn này cũng quyết định đến 60cm khả năng phát triển chiều cao cũng như chiều cao của con khi trưởng thành.
Nếu được nuôi dưỡng tốt, 12 tháng đầu trẻ tăng 25cm; 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.
Suốt 6 tháng đầu, nếu được bú sữa mẹ hoàn toàn thì sẽ tốt hơn là cho con bú sữa ngoài. Ở độ tuổi ăn dặm, cho con ăn đa dạng các nhóm thực phẩm và đầy đủ 4 nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin.
Tuy nhiên, mẹ lưu ý không nên “nhồi” con quá. Không nên cho ăn quá nhiều tinh bột, chất béo, đồ ngọt để tránh béo phì. Ngoài ra, tăng cường cho con vận động ngoài trời, mặc quần áo thoải mái và ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc.
3. Dậy thì
Giai đoạn dậy thì bình thường của con gái là từ 10 – 16 tuổi và con trai từ 12 – 18 tuổi. Trong thời gian dậy thì sẽ có 1 – 2 năm chiều cao tăng vọt từ 8 – 12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt.
Đây là giai đoạn có tính quyết định, vì sau giai đoạn này, chiều cao sẽ không tăng được bao nhiêu nữa.
Với độ tuổi này, điều bố mẹ cần tập trung nhất vẫn là dinh dưỡng, tiếp đến là vận động và sau cùng là lối sống.
Ăn đa dạng các nhóm thực phẩm để cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn nhanh và giảm đồ ngọt, nước ngọt có ga để tránh nguy cơ béo phì. Với những trẻ không thích ăn rau, nên bổ sung bằng hoa quả mỗi ngày để cân bằng, nếu có thể uống sữa mỗi ngày thì càng tốt.
Rèn thói quen tập thể dục mỗi ngày với những bài tập vừa sức, chơi một môn thể thao, chịu khó ra ngoài trời đi dạo hay vận động sẽ giúp con cao lên trông thấy.
Về lối sống, đây là giai đoạn “nổi loạn” của con và gánh nặng học tập rất căng thẳng nên hầu như lối sống không lành mạnh mà thất thường. Thức khuya vào ban đêm, ngủ bù vào cuối tuần sẽ khiến cho nhịp sinh học không ổn định, ngủ không đủ giấc và đủ sâu nên bị hạn chế phát triển chiều cao trong khi ngủ.