Gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng tải rất nhiều tin tức về những vụ ấm dâm, xâm hại tình dục đối với trẻ chưa vị thành niên. Trước những mối đe dọa đó những bậc làm cha mẹ không thể tránh khỏi lo lắng làm sao để bảo vệ con mình an toàn trước những kẻ hiểm họa luôn rình rập bé khắp mọi nơi.
Một người bố có con gái 6 tuổi đã viết thư tâm sự :
“Con gái tôi năm nay 6 tuổi, dù hai vợ chồng tôi luôn nhắc nhở bé phải giữ khoảng cách với người lạ, không được đi theo những người không quen biết… Vậy nhưng cháu rất hiếu động, người lớn dù không quen nhưng nói gì cháu cũng tin. Người mới gặp lần đầu nhưng cháu đã rất dễ tiếp cận, thậm chí để họ thơm má, ôm…
Cách đây mấy hôm, cháu xin phép cho cháu ra ngõ chơi, rồi theo đi thả diều với một cậu thanh niên cùng xóm mà quên xin phép ba mẹ khiến vợ chồng tôi tìm khắp nơi. Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi, làm thế nào để nhắc nhở cháu nhớ những điều cần thiết khi tiếp xúc với người lạ?”
TS Vũ Thu Hương ( ĐH Sự Phạm HN ) tư vấn:
Trong thế giới hiện đại, nhất là ở những khu dân cư đông đúc, những hiểm nguy đến từ những người xa lạ luôn tiềm ẩn khắp nơi. Một người xa lạ có thể là người tốt, nhưng cũng có thể là người xấu, có thể mang đến cho trẻ những hiểm nguy không thể lường trước được. Thế giới thật giả, tốt xấu lẫn lộn.
Để cho con trẻ có thể sống an toàn trong môi trường của chúng, việc dạy cho con cách ứng phó với người lạ, lịch sự, an toàn là điều quan trọng mà các bậc cha mẹ chúng ta phải quan tâm đầu tiên.
Dưới đây là những ý chính mà chúng ta sẽ phải nhắc nhở con trong khi giao tiếp với người lạ:
- Tuyệt đối không đi theo người lạ, ngay cả khi họ nói là sẽ giúp bé tìm đường về nhà.
- Còn nếu bị lạc ở trung tâm mua sắm hay khu vui chơi đông người, sau khi đứng tại chỗ chờ một lúc lâu không thấy bố mẹ, bé hãy đến nói với các chú bảo vệ hoặc cô bán hàng nhờ họ thông báo lên loa. Sau đó ngoan ngoãn đứng ở đó chờ bố mẹ đến đón.
- Không nhận quà bánh của người lạ: Nên dạy bé không nhận bất kỳ món đồ nào người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng "ba mẹ cháu không cho phép nhận". Sau đó bé hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ đứng để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ. Trong trường hợp người đó cứ bám theo ép bé ăn hay bắt lên xe thì phải quẫy đạp và hét thật to để mọi người đến cứu.
- Khi người lạ nhận là bạn của bố mẹ đến trường đón bé: Phụ huynh cần dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé. Trong trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen hay thì bé hãy quay vào trường báo cho cô giáo biết, rồi nhờ cô gọi điện cho ba mẹ để xác minh xem có đúng là họ được nhờ đến đón không.
- Bị lạc cha mẹ: Dạy trẻ bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà nên đứng yên tại chỗ để chờ, vì bố mẹ sẽ quay lại đây tìm bé. Trong trường hợp bị lạc ở ngoài đường, bé có thể mượn điện thoại của một người đi đường hoặc chú công an để gọi bố mẹ đến đón.
Khi dạy con những nội dung này, chắc chắn các bé sẽ có đôi chút sợ hãi. Điều này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng giao tiếp thoải mái tự tin của bé. Vậy, làm thế nào để dạy con mà không làm cho con thiếu tự tin khi giao tiếp với người lạ?
Một người xa lạ có thể là người tốt, nhưng cũng có thể là người xấu, có thể mang đến cho trẻ những hiểm nguy không thể lường trước được
Phương thức giải quyết thật đơn giản: Cha mẹ hãy chỉ cho con những ví dụ về người tốt và người xấu quanh cháu (người ở cùng khu vực sống mà các bé đã biết). Những người xấu là những người đã có một số hành vi không tốt. Con sẽ hiểu là thế giới gồm có người tốt và người xấu. Con chỉ cần né tránh những người không tốt là đủ rồi.
Nếu việc tìm kiếm ví dụ trở nên khó khăn, cha mẹ hoàn toàn có thể vận dụng các ví dụ trong các câu chuyện cổ tích, câu chuyện ngụ ngôn để bé có thể hiểu được. Từ đó, bé sẽ có thể hiểu được và thực hiện theo lời dặn dò của cha mẹ trong những trường hợp mà bé đang ở một mình.
Dạy con là một quá trình khó khăn và đầy bất ngờ. Bạn không thể lúc nào cũng theo sát trẻ, vậy nên hãy trang bị kiến thức cho con để con tự lo lắng cho bản thân mình là phương án tối ưu để tạo sự an toàn cao nhất cho con trẻ